Cách xác định đơn giá đất một số trường hợp trong hẻm tại dự thảo văn bản hướng dẫn chưa được quy định tại Quyết định bảng giá đất 2020 – 2024, đồng thời người dân cũng đề nghị hướng dẫn việc áp dụng với các trường hợp này.
Không chỉ các quận - huyện, người dân cũng lúng túng
Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND về quy định về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 – 2024 (Quyết định bảng giá đất) được UBND TP.HCM ban hành ngày 16/1/2020. Có hiệu lực từ ngày 26/1/2020, bảng giá đất này sử dụng làm căn cứ để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; tính thuế sử dụng đất; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất…
Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM giao Sở TN&MT thực hiện dự thảo văn bản hướng dẫn bảng giá đất để thành phố ban hành áp dụng. Tuy vậy, quá trình rà soát, Sở Tư pháp đã chỉ ra nhiều điểm chưa phù hợp.
Theo Sở Tư pháp, cách xác định đơn giá đất của một số trường hợp đất hẻm tại văn bản hướng dẫn chưa được quy định tại quyết định bảng giá đất. Cụ thể như: Hẻm đất tính bằng 0,8 hẻm trải đá nhựa hoặc bê tông, xi măng; thửa đất hoặc nhà đất vừa có mặt tiền hẻm vừa không có mặt tiền hẻm thì phần diện tích không có mặt tiền hẻm có đơn giá đất được tính bằng 0,8 lần so với đơn giá mặt tiền hẻm…
Cách xác định đơn giá đất tại một số trường hợp đất hẻm chưa được quy định.
Phần khu đất, thửa đất nằm trong phạm vi có chiều dài lớn hơn 5 – 8 lần chiều rộng khu đất, thửa đất thì tính bằng 0,8 đơn giá đất mặt tiền hẻm…; thửa đất hoặc nhà đất nằm ở vị trí tiếp giáp với nhiều mặt tiền đường thì đơn giá đất được xác định theo đường có giá đất cao nhất.
Với những trường hợp này, Sở Tư pháp kiến nghị UBND thành phố giao Sở TN&MT nêu cơ sở pháp lý các quy định nêu trên.
Ngoài ra, Sở Tư pháp còn cho rằng văn bản hướng dẫn áp dụng Quyết định bảng giá đất có thể được ban hành dưới văn bản hành chính thông thường. Tuy nhiên, một số nội dung của hướng dẫn chưa có quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Theo ông Nguyễn Toàn Thằng – Giám đốc Sở TN&MT, sở tiếp thu ý kiến của Sở Tư pháp. Tuy nhiên hiện nay sở nhận được khá nhiều văn bản của Cục thuế Thành phố, UBND các quận huyện và người dân đề nghị hướng dẫn việc áp dụng các nội dung chưa được quy định tại Quyết định bảng giá đất.
Sửa đổi quyết định bảng giá đất
Sau cuộc họp với các sở ngành về áp dụng bảng giá các loại đất giai đoạn 2020 – 2024, ngày 22/5 Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã giao Liên Sở TN&MT, Tài chính, Xây dựng, Cục thuế Thành phố có văn bản hướng dẫn áp dụng một số nội dung của Quyết định bảng giá đất để triển khai thực hiện, hoàn thành trước ngày 30/5.
Đồng thời, UBND thành phố còn giao Sở TN&MT khẩn trương rà soát, tham mưu để thành phố cập nhật, sửa đổi, bổ sung Quyết định bảng giá đất theo đúng trình thủ tục, trình trong tháng 9/2020.
Tại bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 đã thông qua, giá đất trên địa bàn TP.HCM về cơ bản vẫn giữ nguyên mức giá so với giai đoạn 2016 – 2019 trước đó. Giá đất ở đô thị cao nhất của thành phố là 162 triệu đồng/m2 như ở đường Nguyễn Huệ; giá đất đường Lê Thánh Tôn từ 110 – 115 triệu đồng/m2; đường Lê Duẩn là 110 triệu đồng/m2; đường Hàm Nghi, Lý Tự Trọng là 101,2 triệu đồng…
Để phù hợp với tình hình thực tế, bảng giá đất mới bổ sung thêm gần 400 tuyến đường, đoạn đường tại các quận huyện, bên cạnh đó cũng loại bỏ hơn 260 tuyến đường.
UBND TP.HCM giao Sở TN&MT tham mưu để cập nhật, sửa đổi, bổ sung Quyết định bảng giá đất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), giá đất quy định trong bảng giá đất vẫn thấp hơn giá đất thị trường từ 30% - 50%. Với các tuyến đường ở trung tâm thành phố, giá đất từng giao dịch thành công cao rất nhiều, không dừng lại ở mức 1 tỷ đồng/m2. Nhưng đây là giá giao dịch giữa người dân với doanh nghiệp, không phổ biến và không đại diện cho giao dịch của thị trường BĐS.
Chủ tịch HoREA lấy ví dụ, năm 2014, khi thành phố đấu giá 3.000m2 đất trên đường Lê Duẩn, quận 1. Giá khởi điểm là 180 triệu đồng/m2 và qua 16 vòng đấu giá thì có đơn vị trả hơn 400 triệu đồng/m2. Đây mới là giá đất đại diện do giao dịch thị trường.
GS.TS Đặng Hùng Võ cho biết, vừa qua Bộ Tài chính trình bảng giá đất cao nhất 340 triệu đồng/m2, trong khi thị trường giao dịch với giá cao gấp 2, gấp 3 lần.
“Làm giá mà không theo kịp thị trường thì lấy gì thu cho ngân sách nhà nước. Đưa đất công vào thị trường thì tính đúng giá thị trường, lúc đó chúng ta thu thuế cao, dẫn đến nhiều hiệu quả rất tốt, là động lực cho phát triển đô thị”, ông GS.TS Đặng Hùng Võ cho hay.
Comments